CẢNH BÁO DỊCH HẠI – 15/7/2024

Chào mừng quý vị và các bạn đến với bản tin Cảnh báo dịch hại.

Dự báo thời tiết cho thấy, tuần này đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho nhiều loại dịch hại trên cây lúa phát triển mạnh, đặc biệt là Sâu cuốn lá nhỏ, Rầy cánh trắng và Đạo ôn.

Đối với đối tượng SÂU CUỐN LÁ NHỎ, Sâu thường gây hại nặng trên diện rộng vào các giai đoạn: lúa đẻ nhánh, làm đòng – trổ. Sâu non nhả tơ cuốn lá lúa lại thành một ống, nằm bên trong và gây hại bằng cách cạp lớp biểu bì mặt trên và diệp lục tố của lá. Lá bị hại có màu trắng, bị khô và dễ rách. Nếu mật độ sâu cao, ruộng lúa có thể bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

  • Để hạn chế sự phát triển của Sâu cuốn lá nhỏ, bà con nên:
    • Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại.
    • Gieo sạ tập trung, đồng loạt.
    • Điều chỉnh mật độ gieo sạ hợp lý.
    • Sử dụng phân bón hợp lý, không bón thừa đạm.
    • Áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm.
    • Bảo vệ thiên địch.
    • Nên theo dõi và phun thuốc trừ sâu khi nhận thấy mật số cao, phun khi sâu có độ tuổi từ 1-2 để mang lại hiệu quả.

Bên cạnh sâu cuốn lá nhỏ, RẦY CÁNH TRẮNG cũng là một trong những loài dịch hại nguy hiểm trên cây lúa.

  • Bà con hãy chú ý quan sát kỹ mặt dưới lá lúa, đặc biệt là phần gần gốc. Nếu thấy xuất hiện những con trùng nhỏ màu trắng, di chuyển nhanh thì đó chính là Rầy cánh trắng. Ấu trùng Rầy cánh trắng hình bầu dục, màu hơi vàng, sống cố định và chích hút nhựa ở bẹ lá và mặt dưới lá.
    Để phòng trừ Rầy cánh trắng hiệu quả, bà con cần lưu ý những điểm sau:

    • Hạn chế phun thuốc trừ sâu sớm và phun quá nhiều lần.
    • Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc trị Rầy cánh trắng, có khả năng thẩm thấu sâu và lưu dẫn mạnh.
    • Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm khi lá lúa còn ướt.

Ngoài côn trùng gây hại, bà con nông dân cũng cần chú ý đến bệnh ĐẠO ÔN – một loại bệnh hại lúa phổ biến và nguy hiểm.

  • Bệnh đạo ôn do nấm gây ra, có thể tấn công cây lúa trong mọi giai đoạn sinh trưởng. Bệnh thường xuất hiện ở các bộ phận như lá, cổ bông, đốt thân, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, dẫn đến giảm năng suất và chất lượng.
    Biện pháp phòng trừ: Bà con nên chọn giống lúa kháng bệnh, dọn sạch rơm rạ sau khi thu hoạch, gieo sạ với mật độ vừa phải, bón phân cân đối, giữ mực nước ruộng hợp lý và phun thuốc đặc trị chứa hoạt chất Tricyclazole, Fenoxanil theo nguyên tắc 4 đúng khi cần thiết.

Bên cạnh 3 loại bệnh trên, bà con cũng cần chú ý theo dõi các đối tượng dịch hại khác như rầy nâu, bệnh vàng lá, lem lép hạt… Hãy chủ động thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời để bảo vệ mùa màng!

Trên đây là những thông tin về tình hình sâu bệnh hại lúa mà bà con nông dân cần lưu ý.
Bản tin Cảnh báo dịch hại tuần này xin kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại bà con trong các bản tin tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *